Bối cảnh Admiral_(lớp_tàu_chiến-tuần_dương)

Vào năm 1915, Bộ Hải quân Anh Quốc bắt đầu xem xét một thế hệ tàu chiến mới tiếp nối lớp Queen Elizabeth. Giám đốc Chế tạo Hải quân (DNC: Director of Naval Construction), Sir Eustace Tennyson-d'Eyncourt, được lệnh chuẩn bị các thiết kế cho kiểu thiết giáp hạm mới. Thiết kế này phải: "căn cứ theo hỏa lực, vỏ giáp và sức mạnh động lực của Queen Elizabeth làm tiêu chuẩn, và xây dựng chung quanh chúng một lườn tàu có mớn nước ít nhất có thể trong phạm vi khả thi và an toàn, và được tích hợp sự bảo vệ và cải tiến mới nhất chống lại sự tấn công dưới nước."[1] Thiết kế (phiên bản 'A') được đệ trình lên Bộ Hải quân vào ngày 30 tháng 11 để xem xét. DNC đã có thể giảm mớn nước của con tàu đến 22% so với Queen Elizabeth bằng cách mở rộng mạn thuyền lên 31,7 m (104 ft) và kéo dài nó đến 247 m (810 ft); nhưng điều này đưa đến hậu quả là các con tàu chỉ có thể sử dụng được một ụ tàu ở Rosyth và hai ở Portsmouth. Các đai chống ngư lôi lớn được trang bị, và một giàn hỏa lực hạng hai gồm mười hai khẩu 127 mm (5 inch) kiểu thiết kế mới được trang bị trên tháp chỉ huy phía trước. Độ nổi cao cho phép thiết kế này có một tỉ lệ về độ nổi dự trữ so với tải trọng lớn hơn mọi thiết giáp hạm dreadnought Anh Quốc trước đây. Kiểu dáng lườn tàu kéo dài của thiết kế này còn cho phép nó có một tốc độ tối đa lên đến 49 km/h (26,5 knot), nhanh hơn khoảng 4,6 km/h (2,5 knot) so với tốc độ mà lớp Queen Elizabeth từng đạt được trong phục vụ. Thứ trưởng Thứ nhất Hải quân, Đô đốc Sir Henry Jackson, trả lời vào ngày 6 tháng 12 rằng mối nguy hiểm của một tàu chiến lớn đến như vậy sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới với Hoa Kỳ mà Anh Quốc không thể đài thọ nổi, và cần thiết nên có một sàn tàu được bảo vệ tốt hơn chống đạn pháo bắn tới trong các cuộc đụng độ ở tầm xa.[1]

Bộ Hải quân yêu cầu thiết kế được chỉnh sửa lại (phiên bản 'B') với mạn tàu rộng tối đa 27,4 m (90 ft), nhưng điều này được xem là không thỏa đáng vì nó cần phải thỏa hiệp với sự bảo vệ dưới nước của con tàu. Hai thiết kế sửa đổi khác được đòi hỏi với tốc độ tối đa được giảm xuống 40,7 km/h (22 knot) cho phép rút ngắn lườn tàu để vừa với các ụ tàu nổi đang sẵn có và tầm nước tối thiểu có thể. Kiểu thứ nhất trong số đó ('C1') có một bầu bảo vệ chống ngư lôi toàn phần trong khi kiểu thứ hai ('C2') có được bầu bảo vệ tốt nhất có thể có được mà không vượt quá chiều dài của Queen Elizabeth. 'C1' được rút ngắn 30,5 m (100 ft) so với thiết kế 'B' và kiểu 'C2' chỉ dài 186 m (610 ft), nhưng mớn nước tăng thêm 0,38 m (1 ft 3 in). Cả hai đề nghị này đều cần phải giảm bớt số lượng pháo của giàn hỏa lực hạng hai và giảm độ dày vỏ giáp. Bộ Hải quân đã không hài lòng với cả hai thiết kế, và yêu cầu một phiên bản cải tiến dựa trên 'A' có cùng chiều rộng mạn thuyền, tầm nước, vỏ giáp và vũ khí, nhưng ngắn hơn và có cùng tốc độ như lớp Queen Elizabeth. Ngoài ra kiểu pháo 127 mm (5 inch) mới bị từ chối để giữ lại cỡ pháo 140 mm (5,5 inch) đang sẵn có.[2]

Ít nhất một số trong các thiết kế nêu trên đã được chuyển cho Đô đốc John Jellicoe, Tư lệnh Hạm đội Grand, người đã chỉ ra rằng không có nhu cầu thực sự đối với những thiết giáp hạm mới do ưu thế chắc chắn về số lượng thiết giáp hạm của Anh so với Đức, nhưng điều này sẽ không đúng đối với tương quan lực lượng tàu chiến-tuần dương. Người ta biết được Đức đang đóng ba chiếc mới thuộc lớp Mackensen với tốc độ tối đa được ước lượng sẽ đạt 55,6 km/h (30 knot) và trang bị pháo 386 mm (15,2 inch).[Ghi chú 1] Những con tàu này sẽ vượt trội hơn mọi tàu chiến-tuần dương Anh đang có, trong khi hai chiếc tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Renown và các "tàu tuần dương nhẹ lớn" thuộc lớp Courageous đang được chế tạo vào lúc đó sẽ nhanh tương đương, nhưng có vỏ giáp quá mỏng để cạnh tranh với chúng. Ông cũng lưu ý rằng kinh nghiệm của ông khi hoạt động cùng với lớp Queen Elizabeth cho thấy một tốc độ trung gian giữa thiết giáp hạm và tàu chiến-tuần dương ít hữu dụng; ông đề nghị thiết kế mới nên là một thiết giáp hạm có tốc độ 39 km/h (21 knot) hay là một tàu tuần dương tốc độ 55,5 km/h (30 knot), và ông chuộng cách thứ hai nhiều hơn.[3]

DNC chuẩn bị hai thiết kế mới nhằm đáp ứng những nhận xét của Đô đốc Jellicoe vào ngày 1 tháng 2 năm 1916, tất cả đều là tàu chiến-tuần dương có khả năng đạt tốc độ 55,5 km/h (30 knot) hay tốt hơn và trang bị tám pháo 381 mm (15 inch). Thiết kế '1' có tải trọng 39.000 tấn với đai giáp kém đi 2 inch và tốc độ 30 knot; nó sử dụng nồi hơi kiểu ống lớn cồng kềnh vốn là truyền thống của các tàu chiến chủ lực Anh, vốn giải thích tại sao thiết kế này lớn hơn 9.000 tấn so với mọi thiết giáp hạm trước đó. Thiết kế '2' về thực chất là sự lặp lại của cái đầu tiên, ngoại trừ việc thay thế bằng nồi hơi ống nhỏ. Nó nhỏ hơn đáng kể so với các kiểu cũ và tiết kiệm được 3.500 tấn so với thiết kế '1' cũng như có tầm nước ít hơn 0,3 m (1 ft).[4] Những sự tiết kiệm này có ý nghĩa thực tiễn đủ để vượt qua sự phản đối của Kỹ sư Trưởng rằng chúng đòi hỏi phải được sửa chữa thường xuyên và tốn kém.[5] DNC được yêu cầu phác thảo thêm bốn thiết kế khác sử dụng nồi hơi ống nước nhỏ vốn được đệ trình vào ngày 17 tháng 2. Thiết kế '3' chính là thiết kế '2' với hệ thống động lực có công suất 160.000 mã lực (119,3 MW) để đẩy tốc độ tối đa lên 59 km/h (32 knot) trong khi các thiết kế khác có bốn, sáu hoặc tám khẩu pháo 457 mm (18 inch). Thiết kế '3' đã được chọn vì Đô đốc Jellicoe đã chỉ định số lượng pháo tối thiểu không được ít hơn tám khẩu vì ít hơn nữa sẽ gây ra vấn đề về độ chính xác trong kiểm soát hỏa lực; và thêm hai phương án khác được đưa ra, một với mười hai khẩu pháo hạng hai 140 mm (5,5 inch) và phương án kia với mười sáu khẩu. Đề nghị thứ hai được chấp thuận vào ngày 7 tháng 4 và đơn đặt hàng được đưa ra vào ngày 19 tháng 4 cho ba chiếc Hood, Howe và Rodney. Đơn đặt hàng chiếc thứ tư Anson được tiếp nối vào ngày 13 tháng 6.[6]